Chuẩn hóa vật mang dữ liệu và mã truy vết sử dụng trong hệ thống TXNG

Hệ thống truy xuất nguồn gốc là hệ thống quản lý thông tin chất lượng, an toàn nhằm giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Trong hệ thống truy xuất, mã truy vết và vật mang dữ liệu là các công cụ quan trọng đảm bảo cho việc quản lý thông tin và lưu trữ, truyền tải dữ liệu một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.

(Bài viết được dẫn nguồn từ Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia – NBC. Xem bài viết gốc tại đây)

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và sự minh bạch của sản phẩm

Hiện nay, thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sự minh bạch thông tin của sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng chú trọng. Trước nhu cầu của người tiêu dùng, yêu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm tự khẳng định tính minh bạch thông tin và chất lượng sản phẩm của mình. Cùng với đó là sự xuất hiện số lượng lớn các nhà cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc (TXNG), bao gồm các đơn vị đã có nhiều năm hoạt động cũng như các đơn vị mới thành lập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đơn vị cung cấp giải pháp TXNG đang hoạt động độc lập, khả năng kết nối, tương tác và trao đổi thông tin giữa các bên trong chuỗi cung ứng khi có nhu cầu còn thấp. Thậm chí, một vài giải pháp còn đóng, không có tính mở cho việc kết nối. Doanh nghiệp dù đang áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhưng đa phần chỉ áp dụng nội bộ, không thể hoặc gặp khó khăn khi muốn trao đổi, liên kết, chia sẻ dữ liệu TXNG. Nguyên nhân bởi vì các hệ thống trên sử dụng những cách thức định danh, mã truy vết riêng không có tính thừa nhận, kết nối lẫn nhau. Do đó, việc sử dụng thống nhất các mã truy vết theo các tiêu chuẩn chung là cần thiết trong việc chuẩn hóa TXNG.

Thực trạng áp dụng tem Truy xuất nguồn gốc – mã truy vết

Bên cạnh đó, vẫn còn chưa có sự thống nhất về hình thức thể hiện các loại tem truy xuất cũng như nội dung tem còn sơ sài, đơn giản, chưa tạo được niềm tin thực sự nơi người tiêu dùng, gây nên sự hoài nghi về tính hiệu quả của hệ thống truy xuất nguồn gốc. Thêm vào đó, các tem này có nhiều hình thức, màu sắc, kích thước cũng như thực hiện một vài chức năng khác như xác thực hàng giả, bảo hành, thông tin sản phẩm, tích điểm. Hầu hết các tem này chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng mã QR mã hóa dẫn liên kết tới website của doanh nghiệp mà tại đó có chứa thông tin sản phẩm, hàng hoá. Ngoài ra, nhiều trường hợp mã nhòe, mờ, kích thước, vị trí đặt không phù hợp dẫn đến khó khăn hoặc không quét được. Nói chung, các tem này chưa được chuẩn hóa về nội dung, hình thức và hầu hết chỉ ở mức cung cấp thông tin, chưa thực sự có khả năng truy xuất nguồn gốc. Do đó, một quy định chung về vật mang dữ liệu là điều cần thiết trong chuẩn hóa việc TXNG.

Việc không thống nhất về các loại mã truy vết và vật mang dữ liệu trong hệ thống truy xuất nguồn gốc là một trong các nguyên nhân gây khó khăn cho việc tương tác và trao đổi thông tin giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Do đó, việc có một tiêu chuẩn chung nhằm thống nhất về nội dung thông tin, hình thức, cách thể hiện dữ liệu là điều cần thiết. Một tiêu chuẩn như vậy sẽ tăng cường khả năng truy xuất trong cùng hệ thống; tính trao đổi, liên kết, chia sẻ và sử dụng dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho các bên trong chuỗi. Thông tin TXNG cung cấp tới khách hàng, nhà quản lý, đối tác kinh doanh cũng được đảm bảo.

Tiêu chuẩn về vật mang dữ liệu và mã truy vết

Trong bối cảnh trên, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG (Đề án 100). Việc triển khai Đề án 100 sẽ giải quyết những hạn chế nêu trên, định hướng các hệ thống TXNG ở Việt Nam tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa tại Việt Nam cũng như quốc tế.

Một trong những nội dung đó là xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), mà khởi đầu là TCVN về những yêu cầu chung về hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm chuẩn hóa cho các hệ thống TXNG theo chuẩn quốc tế, tạo niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, hàng hóa.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố hai Tiêu chuẩn quốc gia về mã truy vết và vật mang dữ liệu: TCVN 13274:2020 Hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết quy định hướng dẫn về yêu cầu kỹ thuật và nguyên tắc cấp, quản lý, trách nhiệm trong việc quản lý, cấp mã truy vết sử dụng trong hệ thống truy xuất nguồn gốc vật phẩm, hàng hóa dựa trên tiêu chuẩn GS1. Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng cho các mã định danh khác. TCVN 13275:2020 Định dạng vật mang dữ liệu quy định về định dạng vật mang dữ liệu để mã hóa các mã truy vết được sử dụng trên các dạng bao gói và hộp/vật đựng đặc thù của sản phẩm, hàng hóa trong chuỗi truy xuất nguồn gốc. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng để mã hóa các mã truy vết không theo chuẩn GS1.

Các đối tượng cần truy xuất thông tin trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ được định danh theo các loại mã truy vết phù hợp với mục đích, tính chất bao gồm: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết vận chuyển, mã truy vết địa điểm, mã truy vết tài sản. Các thông tin truy xuất được lưu trữ phục vụ việc quản lý, truy vết nguồn gốc sản phẩm, đồng thời cung cấp cái nhìn tổng quan, theo đường di chuyển của lô sản phẩm cụ thể qua các mắt xích của toàn chuỗi sản xuất từ nguyên liệu thô đến thành phẩm cuối cùng, thể hiện thành phần các chất sử dụng, việc tuân thủ các quy định và quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản sản phẩm trong chuỗi cung ứng.

Về cơ bản, mỗi loại mã có cấu trúc khác nhau, tuy nhiên đều dựa trên nền tảng là tiền tố mã doanh nghiệp và sinh ra dựa trên các số tham chiếu do doanh nghiệp tự xác định. Các mã phải đảm bảo tính đơn nhất, nhất quán, không trùng lặp.

Các thông tin truy xuất này được truy cập thông qua các vật mang dữ liệu. Tiêu chuẩn về vật mang dữ liệu quy định các vật mang dữ liệu phù hợp với hệ thống TXNG, bao gồm các mã vạch 1 chiều, 2 chiều và mã dùng sóng radio. Cách thức mã hóa theo tiêu chuẩn ISO 646 để mã hóa kí tự 8-bit dùng trong trao đổi thông tin giữa các máy tính cũng như các phương tiện truyền thông tin, vật mang dữ liệu. Nó được dùng cho việc biểu diễn, truyền thông, trao đổi, xử lí, ghi nhớ, đưa vào và trình bày các thông tin. Ngoài ra, tiêu chuẩn cũng quy định về kích thước, cách thức gán trên sản phẩm đảm bảo tăng khả năng có thể quét được và giải mã dữ liệu về sản phẩm, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người sử dụng.

Lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn mã vạch GS1

Khi các bên cùng sử dụng mã truy vết và vật mang dữ liệu thống nhất, khả năng tương tác, trao đổi thông tin sẽ được cải thiện rất lớn, hạn chế mâu thuẫn và chi phí phát sinh. Dữ liệu được thu thập nhanh chóng và chính xác bằng phương pháp điện, tự động, giảm thiểu sai sót của con người. Cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu minh bạch, tiếp cận đầy đủ thông tin của nhà quản lý, đối tác thương mại và người tiêu dùng. Cách thức mã hóa, truyền tải dữ liệu thống nhất giúp các doanh nghiệp trong một chuỗi cung ứng có thể truy xuất các thông tin phù hợp với quy định của TXNG.

Nguồn: www. NBC.gov.vn

LACO GROUP hiện là đối tác chiến lược của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia – NBC trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực hiện giải pháp Truy xuất nguồn gốc – Xác thực thông tin.

Xem thêm về giải pháp Truy xuất nguồn gốc – Xác thực thông tin của LACO GROUP tại đây.

Liên hệ ngay để được tư vấn và hỗ trợ thông tin!





Tiêu chuẩn quản lý chất lượngTiêu chuẩn an toàn thực phẩmTiêu chuẩn an toàn lao động & trách nhiệm xã hộiDược và thực phẩm chức năngDịch vụ cho thuê ban ISOĐào tạo huấn luyệnTư vấn pháp lý - pháp luậtĐăng ký mã số, mã vạchTruy xuất nguồn gốcĐánh giá nhà cung cấpPhần mềm quản trị ISOPRO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *